A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Quốc hội thảo luận về dự kiến Chương trình giám sát năm 2019.

(Chinhphu.vn) – Họp phiên toàn thể tại Hội trường sáng 7/6, Quốc hội đã Nghe Tờ trình và thảo luận về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2019.
 

Trình bày Tờ trình về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2019, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, dự kiến tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội sẽ xem xét, thảo luận báo cáo bổ sung của Chính phủ về đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2018; báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước năm 2017; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2019 và các báo cáo khác của các cơ quan hữu quan theo quy định của pháp luật.

Xem xét, thảo luận báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thực hiện kiến nghị giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội (nếu có);  xem xét, thảo luận báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 6. Tiến hành hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội và giám sát chuyên đề.

Dự kiến, tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội sẽ xem xét, thảo luận báo cáo công tác năm 2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội; của Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước. Xem xét, thảo luận báo cáo của Chính phủ về thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước năm 2019 và kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2020.

Xem xét, thảo luận báo cáo của Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao về việc giải quyết khiếu nại, tố cáo; báo cáo của Chính phủ về tình hình thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội; các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng, về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, về công tác thi hành án, về việc thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới; các báo cáo khác của các cơ quan hữu quan theo quy định của pháp luật.

Xem xét, thảo luận báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thực hiện kiến nghị giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội (nếu có); xem xét, thảo luận báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về một số vấn đề bức xúc, nổi lên từ kết quả giám sát của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội (nếu có).

Xem xét, thảo luận báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 7, việc tiếp công dân, xử lý khiếu nại, tố cáo; tiến hành hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội và giám sát chuyên đề.

Đối với việc lựa chọn nội dung giám sát chuyên đề trong chương trình giám sát năm 2019, Tổng thư ký Quốc hội cũng cho biết, việc lựa chọn nội dung giám sát phải dựa trên tiêu chí là vấn đề bức xúc nổi lên ở tầm vĩ mô hoặc ảnh hưởng lớn đến đời sống kinh tế - xã hội, được đại biểu Quốc hội, cử tri và nhân dân quan tâm; gắn với việc xây dựng, thi hành pháp luật; không trùng với các chuyên đề giám sát đã được Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội tiến hành giám sát trong thời gian 18 tháng tính đến thời điểm đề xuất; bảo đảm cân đối, phù hợp giữa các lĩnh vực và phạm vi giám sát phù hợp với điều kiện thực hiện của các cơ quan của Quốc hội.

Căn cứ vào kết quả hoạt động giám sát những năm vừa qua và tình hình thực tế năm 2019, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội giám sát 2 chuyên đề tại 2 kỳ họp trong năm. Trên cơ sở dự kiến số lượng, tiêu chí lựa chọn và nghiên cứu ý kiến kiến nghị của các cơ quan, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội xem xét, quyết định 2 trong 4 nội dung là: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy giai đoạn 2011-2018. Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị giai đoạn 2014-2018. Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số, miền núi giai đoạn 2011-2018. Việc thực hiện chính sách, pháp luật về lập, quản lý, sử dụng các loại quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách nhà nước giai đoạn 2011-2018.

Thảo luận tại phiên họp, các đại biểu cơ bản tán thành với chương trình giám sát năm 2019 như Tờ trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; cho rằng về tổng thể dự kiến chương trình giám sát năm 2019 của Quốc hội là phù hợp, bám sát quy định của Luật Hoạt động giám sát, gắn với những vấn đề bức xúc nổi lên được đại biểu và cử tri quan tâm.

Một số ý kiến đại biểu đề nghị Quốc hội tăng cường hơn nữa công tác giám sát việc thi hành pháp luật, công tác hướng dẫn và triển khai Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, đồng thời tăng cường hơn nữa khâu hậu giám sát, đánh giá việc tổ chức thực hiện các kết luận, kiến nghị giám sát ở Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội.

Về nội dung giám sát chuyên đề của Quốc hội, một số ý kiến đề nghị bổ sung làm rõ thêm về nội dung, phạm vi các chuyên đề do Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự kiến. Ngoài ra, một số ý kiến đề xuất thêm một số các nội dung giám sát như về vấn đề bạo hành trẻ em, vấn đề chính sách đối với vùng dân tộc thiểu số và miền núi,…

Phát biểu kết thúc nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cho biết, trên cơ sở ý kiến đại biểu, Quốc hội sẽ lựa chọn 2 chuyên đề để Quốc hội giám sát tối cao. Hai chuyên đề còn lại sẽ giao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức giám sát và báo cáo Quốc hội.

Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cũng đề nghị tiếp tục tăng cường công tác thông tin, phối hợp giữa các cơ quan thực hiện giám sát và cơ quan chịu giám sát, tiếp tục đổi mới phương thức làm việc, cách thức tổ chức đoàn giám sát, công tác điều hòa, phối hợp hoạt động giám sát, tránh việc trùng lặp nhiều đoàn cùng một thời gian, địa điểm. Đồng thời đề nghị tăng cường hoạt động chất vấn tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội, giải trình tại Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban.

“Tại kỳ họp này, sau khi quyết định chuyên đề giám sát tối cao, Quốc hội sẽ ban hành nghị quyết thành lập đoàn giám sát chuyên đề theo Điều 16 Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân. Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ có sự chuẩn bị kĩ để bảo đảm việc triển khai thực hiện đạt kết quả cao”, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ phát biểu./.​


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Video Clip
Thống kê truy cập
Lượt truy cập hiện tại : 0
Hôm nay : 7
Tháng 10 : 41
Năm 2024 : 3.652
Năm trước : 42.104
Tổng số : 94.457